Theo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, nhiều dự án hạ tầng thuộc khu Nam Sài Gòn đã được đưa vào lộ trình phê duyệt đầu tư từ nay đến năm 2020 như: dự án cầu Thủ Thiêm 3; cầu Thủ Thiêm 4; dự án xây nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (vốn đầu tư 2.600 tỷ đồng); dự án cầu Nguyễn Khoái từ quận 7 qua quận 4 (vốn đầu tư 1.250 tỷ đồng);
Đặc biệt, TP.HCM đang xem xét phương án đầu tư dự án mở rộng đường Nguyễn Tất Thành, quận 4 lên hơn 40m. Đây là tuyến đường huyết mạch giúp kết nối khu trung tâm TP.HCM với khu đô thị cảng Hiệp Phước.
Ngoài ra, theo kế hoạch, dự án đường trục Bắc - Nam kết nối khu vực trung tâm với các quận 4, 7 và huyện Nhà Bè có tổng kinh phí dự trù hơn 8.500 tỷ đồng cũng sẽ được đầu tư trong giai đoạn này; dự án cầu Rạch Đĩa và cầu Long Kiểng vừa được khởi công và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2018…
Song song đó, UBND TP.HCM đã giao công ty Phú Mỹ Hưng nhanh chóng xúc tiến phương án đầu tư dự án hệ thống hầm chui, cầu vượt tại ngã tư Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ, với số vốn gần 4.000 tỷ đồng.
Không dừng ở đó, khu Nam Sài Gòn còn có các dự án quy hoạch trục đường Phú Thuận, nối từ khu vực Mũi Đèn Đỏ thẳng vào khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Đường Phú Thuận sẽ là trục đường huyết mạch quan trọng, tạo động lực phát triển khu vực này trong năm 2017.
Khu Nam Sài Gòn đang trở thành đại công trường với nhiều dự án giao thông quy mô đầu tư lớn đã và sắp được triển khai đầu tư.
Bên cạnh những dự án trọng điểm, khu Nam cũng có sự phát triển đồng bộ nhiều tuyến đường để kết nối thuận tiện với khu trung tâm. Đường Huỳnh Tấn Phát được mở rộng lên 30m kết nối với trục đường chính Nguyễn Văn Linh. Cầu Bình Tiên được xây dựng để mở đường cho việc hình thành tuyến đường Vành đai trong kết nối toàn bộ khu vực Nam Sài Gòn với các khu vực Tây và Tây Nam thành phố.
Đặc biệt, dự án cầu Cần Giờ thay thế phà Bình Khánh sẽ được xây dựng theo hình thức BOT kết hợp BT. Hiện nay Sở Quy hoạch - Kiến trúc đang tổ chức thi tuyển kiến trúc để trình UBND TP.HCM phê duyệt.
Ngoài việc ưu tiên giải quyết các điểm ùn tắc, trước mắt thành phố cũng lên phương án mở rộng đường Lê Văn Lương - tuyến đường huyết mạch kết nối khu Nam TP.HCM và tỉnh Long An. Song song đó, tuyến Metro số 4 với tổng vốn đầu tư 97.000 tỷ đồng (đi qua các quận 1, 3, 4, 7, 12, Gò Vấp, Phú Nhuận và huyện Nhà Bè) chạy song song với đường Nguyễn Hữu Thọ, đã quy hoạch và đang được kiến nghị điều chỉnh kéo dài từ đường Nguyễn Văn Linh đến Khu đô thị cảng Hiệp Phước.
Giám đốc Sở GTVT TP Bùi Xuân Cường cho biết, hiện công tác triển khai các dự án hạ tầng giao thông theo quy hoạch được duyệt trên địa bàn thành phố còn chậm do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính vẫn là tìm kiếm nguồn vốn đầu tư và các dự án đã xác định nguồn vốn vẫn chậm hoàn thành do vướng mắc công tác giải phóng mặt bằng.
Theo quy hoạch, TP.HCM có 3 tuyến vành đai (Vành đai 2, Vành đai 3 và Vành đai 4) với tổng chiều dài khoảng 351 km kết nối nhiều khu vực thành một thể thống nhất. Nhưng hiện nay, Vành đai 2 với chiều dài khoảng 64,0 km nhưng mới đầu tư được 54,6km. Vành đai 3, Bộ GTVT nghiên cứu đầu tư và TP.HCM đang nghiên cứu đề xuất phối hợp đầu tư theo Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM; tuyến Vành đai 4 hiện chưa xác định nguồn vốn đầu tư…
Mới đây nhất, UBND TP.HCM vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép đưa việc xây dựng một làm đường song hành với quốc lộ 50 bổ sung vào quy hoạch giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020.
Theo đó, điểm đầu của tuyến đường mới sẽ kết nối với dự án nối đường Phạm Hùng hiện hữu với cầu Kênh Cây Khô (đoạn tuyến dài khoảng 800m), tại xã Phước Lộc - huyện Nhà Bè (TP.HCM), điểm cuối sẽ kết nối với Quốc lộ 50 tại lý trình Km12+600 (ngã tư Tân Kim, xã Tân Kim - huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An).
Tuyến đường sẽ có tổng chiều dài tuyến khoảng 8,6km với vận tốc thiết kế đạt 80km/h, quy mô mặt cắt ngang tuyến dự án được thiết kế với 6 làn xe; bề rộng mặt cắt ngang cầu được bố trí phù hợp với quy mô phần tuyến. Kỳ vọng đây là tuyến đường có thể xem là trục động lực, khi hoàn thành khơi dậy tiềm năng của vùng hạ Long An gồm các huyện: Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ, Châu Thành.
Theo UBND TP.HCM, quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM định hướng sẽ phát triển các đô thị vệ tinh quanh trung tâm thành phố, mở rộng phát triển các khu công nghiệp mới tại vùng ven và các huyện lân cận phía Nam như Bến Lức, Cần Giuộc của tỉnh Long An, từ đó chuyển dịch hướng phát triển ra vùng ven, giảm tải áp lực dân số tại trung tâm và thúc đẩy sự phát triển kinh tế nơi đây.
Với quy hoạch đó, những hạng mục hạ tầng giao thông quan trọng như hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không trong vùng song song với hệ thống đường vành đai và các tuyến cao tốc kết nối từ trung tâm thành phố tới các tuyến quốc lộ và các tỉnh, thành sẽ dần được hình thành.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét