Chủ đầu tư và Nhà phát triển dự án:
Ngày trước, Chủ đầu tư với Nhà phát triển dự án thường là một, nhưng thời gian gần đây có xu hướng Chủ đầu tư và Nhà phát triển dự án là 02 đơn vị riêng biệt. Lý do bởi những người chủ muốn biến các công ty đứng vai trò Chủ đầu tư dự án thành các Công ty dự án, nghĩa là mỗi Công ty chỉ làm một Dự án mà thôi để tiện cho việc mua bán, sát nhập, huy động vốn… Còn đơn vị có quyền chi phối Dự án chính là Nhà phát triển dự án. Thường Nhà phát triển dự án sẽ có cổ phần chi phối trong công ty Chủ đầu tư. Sự khác nhau của Chủ đầu tư và Đơn vị phát triển dự án như sau:
Chủ đầu tư: Là đơn vị đứng tên trên các giấy tờ pháp lý của Dự án, cũng là đơn vị đứng ra ký kết các hợp đồng với các đơn vị khác.
Nhà phát triển dự án: Là đơn vị chịu trách nhiệm phát triển Dự án, là những đơn vị có thương hiệu, nổi tiếng mà chúng ta hay quen gọi là “Chủ đầu tư”. Ví dụ như Vin, Novaland, Capitaland, Phúc Khang, Nam Long, Hưng Thịnh, Đất Xanh…, những đơn vị này thực chất là Nhà phát triển dự án, còn Chủ đầu tư có thể là một cái tên lạ hoắc khác. Bởi vậy cũng không nên quá thắc mắc trong trường hợp Chủ đầu tư là một cái tên lạ hoắc so với những cái tên nổi tiếng trên đây.
Nói thêm rằng Nhà phát triển dự án là đơn vị quyết định ai làm thiết kế, ai xây dựng, ai quản lý…. Nói tóm lại Nhà phát triển dự án sẽ quyết định mọi thứ liên quan đến Dự án.
Đơn vị thiết kế:
Là đơn vị thuộc nhóm tư vấn mà Nhà phát triển dự án thuê để thiết kế cho Dự án. Việc thiết kế một công trình Chung cư cao tầng có rất nhiều gói, nên một Dự án có thể có một hoặc nhiều Đơn vị thiết kế. Ở Việt Nam, thật khó để nói Đơn vị thiết kế nào nổi tiếng vì phần nhiều sản phẩm của các Đơn vị thiết kế chịu sự chi phối của Nhà phát triển dự án. Thế nên phong cách của Nhà phát triển dự án sẽ quyết định sản phẩm nhiều hơn là Đơn vị tham gia thiết kế. Điều thú vị là ở thị trường Sài Gòn, mỗi Nhà phát triển dự án sẽ có phong cách thiết kế riêng, các sản phẩm của họ tuy ở vị trí khác nhau nhưng thường có kiểu cách thiết kế giống nhau.
Tổng thầu (Nhà thầu):
Là đơn vị chịu trách nhiệm thi công toà nhà. Ở Sài Gòn, nổi tiếng nhất là Coteccons, rồi đến Hoà Bình, Thuận Việt, Cofico…, có một vài đơn vị nước ngoài. Nhưng nhìn chung số lượng các tổng thầu (Nhà thầu) khá hạn chế. Tổng thầu sẽ có quyền quyết định các nhà thầu phụ theo từng gói thầu như cọc, bê tông, xi măng, M&E, nội thất…
Giám sát:
Theo quy định pháp lý, việc thi công công trường phải có 3 đơn vị giám sát gồm Giám sát của Chủ đầu tư, Giám sát của nhà thầu, và đơn vị Giám sát độc lập. Trên thị trường hiện nay, đơn vị giám sát độc lập hay được nhắc đến chính là APAVE.
Đơn vị quản lý (tư vấn quản lý):
Trong quá trình thiết kế, thường phải có một đơn vị quản lý toà nhà có kinh nghiệm tư vấn cho những hạng mục về tiện ích sau này. Sau khi xây dựng xong thì có thể đơn vị đó quản lý toà nhà hoặc Chủ đầu tư (Nhà phát triển dự án) thuê một đơn vị khác. Trên thị trường hiện nay có các đơn vị quản lý toà nhà nổi tiếng như Savills, The Ascott, JLL, CBRE. Thường các đơn vị quản lý nước ngoài sẽ quản lý các dự án hạng sang, còn các dự án trung bình và thấp thì Chủ đầu tư (Nhà phát triển dự án) sẽ tự thành lập công ty dịch vụ để quản lý.
Ngoài các đối tượng trên, còn có cá đơn vị khác như đơn vị Thẩm định giá, đơn vị sale, các đơn vị phát triển về thương mại như BigC, Aeon, Vin, các chuỗi café, quán ăn, làm đẹp… là những đơn vị tham gia. Và đương nhiên không thể không nhắc đến một anh rất quan trọng đó là Ngân hàng.
Trên đây là sơ bộ về những đối tượng tham gia để tạo thành một Khu chung cư hoàn chỉnh.
Luật sư Thu Hương - theo http://wikilapia.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét