Chủ Nhật, 26 tháng 5, 2019

Tư duy pháp lý theo mô thức IRAC

Đối với người học luật và hành nghề luật thì có rất nhiều cách để tư duy một vấn đề pháp lý. Tuy nhiên có một cách tư duy mà được các luật sư thường vận dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý đó là mô thức IRAC.
Trong phạm vi bài viết này chúng tôi xin giới thiệu sơ lược về mô thức IRAC và cách thứctư duy pháp lý theo mô thức IRAC.
luat su tu duy phap ly irac
Tư duy pháp lý irac

Trước hết, cần hiểu IRAC là gì ?
IRAC được phiên âm tiếng anh là /ˈaɪræk/ (EYE-rak), viết tắt của 4 từ Tiếng Anh: Issue - Relevant Law – Application Facts – Conclusion. Đây là một mô thức được ứng dụng rất nhiều và được ứng dụng làm phương pháp để phân tích và giải quyết các tình huống pháp lý. Các trường đào tạo ngành luật và luật sư ở Mỹ, Anh hay Úc đều được đào tạo phương pháp này để ứng dụng không chỉ trong giải quyết các vấn đề pháp lý mà còn được ứng dụng như một kỹ năng tư duy pháp luật, tìm kiếm luật, ý kiến pháp lý, thư từ pháp lý, hay ứng dụng để nghiên cứu hồ sơ vụ việc.

IRAC có thể được hiểu như sau:
I: Issue – Vấn đề
* R: Relevant Law – Quy định pháp luật liên quan
* A: Application Facts – Vận dụng luật vào tình huống
* C: Conclusion – Kết luận
Khi tiếp cận một vấn đề – tình huống từ khách hàng, nhiệm vụ của Luật sư là phải mã hóa được ngôn ngữ thông thường thành các ngôn ngữ pháp lý. Thông tin của khách hàng thường được chuyển tải dưới ngôn ngữ thông dụng của khách hàng đi kèm với những cảm xúc cá nhân của người nói. Do đó, việc mã hóa thành ngôn ngữ pháp lý là điều tối quan trọng để Luật sư có thể tiếp cận vấn đề đúng hướng và hiệu quả nhất. Sau khi đã có được vấn đề pháp lý, Luật sư cần phải tìm được những điểm mấu chốt trong vấn đề pháp lý và tìm được những quy định pháp luật sẽ giúp giải quyết được vấn đề. Từ đó ứng dụng những gì tìm được vào tình huống để tìm ra được giải pháp cho vấn đề. Toàn bộ quy trình nêu trên đều có thể được ứng dụng bằng mô thức IRAC.

Hãy cùng tìm hiểu chi tiết hơn cách ứng dụng mô thức IRAC này:
1. - I: Issue – Vấn đề
Mục đích của phần này đó chính là giải quyết được câu hỏi “Vấn đề pháp lý gì đang được tranh luận là gì?”.
Bẳng cách xác định các sự kiện có ý nghĩa pháp lý, các tính chất pháp lý của vụ việc, các vấn đề cần được giải quyết, các câu hỏi của khách hàng đặt ra, chúng ta có thể xác định được vấn đề cần giải quyết. Thông thường, câu chuyện được khách hàng truyền tải rất dài, rất nhiều tình tiết nhưng Luật Sư chỉ cần tóm lược được tình tiết có ý nghĩa pháp lý.
Thực tế, việc bắt được “vấn đề pháp lý” không phải dễ dàng, Luật sư có thể xác định vấn đề pháp lý sai nếu như không xem xét hết mọi khía cạnh mà khách hàng chuyển tải đến. Hậu quả là các bước tiếp theo (R, A, C) đều không chính xác. Do đó, việc xác định “Vấn đề pháp lý” là rất quan trọng.
Ví dụ: Anh A và chị B yêu nhau và sắp đi đến hôn nhân. Anh A quyết định mua một căn nhà để sau khi kết hôn A và B sẽ về sống chung. Anh A có mượn của mẹ chị B là bà M là 500 triệu để mua căn nhà đó. Tuy nhiên, sau đó A bị tai nạn giao thông và phải nằm bệnh viện rất lâu rồi qua đời. Bà M đòi gia đình anh A phải trả căn nhà đó cho chị B.
Tóm gọn lại sự kiện trên ta chỉ cần quan tâm các vấn đề pháp lý sau:
- A và B chưa kết hôn;
- A sở hữu căn nhà;
- A mượn bà M 500 triệu;
- A chết;
- M đòi sở hữu nhà do A để lại.
Tóm lại: Trình bày I là ta đang làm nhiệm vụ trình bày các “Vấn đề pháp lý cần giải quyết”
- Nêu vấn đề gì đang được tranh luận;
- Kết nối vấn đề bằng câu hỏi pháp lý; và
- Sử dụng cấu trúc “Vấn đề có hay không…”.
2. - R: Relevant Law – Quy định pháp luật liên quan
Ở phần này, nhiệm vụ của Luật sư là trình bày được những quy định pháp luật liên quan để giải quyết “Vấn đề pháp lý”. Cụ thể cần phải đi trả lời các câu hỏi sau:
- Pháp luật để giải quyết vấn đề trong trường hợp này là gì? Dân sự, hình sự, hành chính hay thương mại, vv.
- Những thành phần của quy định (Chương, Điều, Khoản, Điểm…)
- Những ngoại lệ đối với quy định (Ví dụ. Pháp luật Việt Nam trong nhiều Luật, Bộ Luật thường có những điều khoản mở, hay những điều khoản nhằm mục đích dẫn chiếu tới Luật/Bộ Luật khác, mà dễ gặp nhất có lẽ là cụm từ “Những trường hợp pháp luật quy định khác”)
- Trường hợp này có thể áp dụng tập quán hay không?
- Có phản biện nào khác đối với vấn đề pháp lý hay không?
Trong một số tài liệu, R ở đây cũng có thể là Rule – các quy tắc pháp luật được áp dụng.
3. - A: Application Facts – Vận dụng luật vào tình huống
Phần này là phần quan trọng nhất trong giải quyết vấn đề pháp lý, bởi lẽ việc kết nối giữa I và R chính là A, tức là kết nối vấn đề pháp lý, sự kiện pháp lý với quy định pháp luật liên quan để đưa ra được những phân tích cụ thể. Vận dụng luật vào tình huống để chứng minh rằng vì sao dùng điều luật này mà không vận dụng điều luật khác để giải quyết vấn đề.
Tóm lại, khi trình bày A, chúng ta sẽ:
- Đưa ra bằng chứng và giải thích; và
- Đưa ra phản biện đối với kết luận của mình
Trong một số tài liệu, A cũng có thể là Analysic – Phân tích tình huống, nhưng nội hàm của nó vẫn là việc vận dụng luật vào tình huống cần giải quyết.
4. - C: Conclusion – Kết luận
Trình bày phần kết luận, Luật sư sẽ phải trình bày được kết luận của từng vấn đề hoặc đưa ra được kết luận tổng thể. Lưu ý rằng, không có câu trả lời đúng hay sai, chỉ có phân tích và tư duy logic căn cứ trên quy định và sự kiện để hướng đến một kết luận hợp lý.

Biến thể của IRAC khi ứng dụng trong thực tiễn:
Khi áp dụng mô thức IRAC trong thực tiễn, tùy thuộc vào từng tình huống pháp lý cụ thể, mô thức IRAC được linh hoạt áp dụng để giải quyết vấn đề pháp lý. Một số biến thể thường xuyên được áp dụng bao gồm:
* (I) – R – A – C
Biến thể này được áp dụng đối với một vấn đề pháp lý chung, khi đưa ra được R (Quy định luật liên quan) và A (Vận dụng pháp luật) thì có thể đưa ra một C (Kết Luận) – kết luận này được áp dụng do mọi trường hợp liên quan.
* I – R (A) – C
Biến thể này được ứng dụng trong trường hợp R (Quy định luật liên quan) quá rõ ràng và không nhất thiết phải phân tích để đưa ra kết luận.
* I – R – A
Thực ra ở biến thể này, không khuyết thiếu đi C (Kết Luận), mà trong quá trình trình bày R hoặc A, chúng ta đã có được C và không cần thiết phải trình bày C lại lần nữa.

Tiếp theo, hãy cùng thử ứng dụng IRAC trong ví dụ cụ thể sau đây:
Tình hống được gửi từ Email: dongthanhvina@gmail.com
 Chào Luật sư,
Tôi vừa tốt nghiệp đại học và được nhận vào làm tại một công ty công nghệ thông tin 100% vốn  Việt Nam. Tôi và phía BGĐ công ty ký hợp đồng lao động có thời hạn 2 năm và công việc tôi làm là kỹ sư công nghệ thông tin; mức lương khởi điểm mà tôi được nhận khi vào làm chính thức là 9.000.000 VNĐ. Tuy nhiên, họ lại bảo tôi phải thử việc trong thời gian 4 tháng và lương thử việc tôi được nhận là 6.000.000 VNĐ. Vậy cho tôi hỏi, thấy các bạn tôi bảo rằng công ty tôi làm như vậy là sai, nên tôi muốn hỏi Luật sư lại cho chắc chắn.
Ứng dụng IRAC:
I  - Vấn đề
·         Vấn đề pháp lý: (1) Thời gian thử việc và (2) lương thử việc
·         Câu hỏi pháp lý mấu chốt: Công Ty áp dụng thời gian thử việc và mức lương thử việc là đúng hay sai ?
R - Quy định pháp luật liên quan
Bộ Luật Lao Động năm 2012
–      Điều 27. Thời gian thử việc
Thời gian thử việc căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc 01 lần đối với một công việc và bảo đảm các điều kiện sau đây:
1. Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;
2. Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ.
3. Không quá 6 ngày làm việc đối với công việc khác.
Điều 28. Tiền lương trong thời gian thử việc
Tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thoả thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.
A - Vận dụng pháp luật
–      Do công việc của anh A ở công ty là kỹ sư công nghệ thông tin – chức danh cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên. Do đó, thời gian thử việc được áp dụng đối với anh A tối đa là 60 ngày. Trong khi đó, công ty áp dụng thời gian thử việc đối với anh A là 4 tháng (30 ngày x 4 = 120 ngày).
–      Mức tiền lương tối thiểu mà anh A được nhận trong thời gian thử  việc phải bằng 9.000.000 x 85% = 7.650.000 VNĐ. Trong khi đó công ty áp dụng lương thử việc cho anh A là 6 triệu đồng.
C - Kết luận
Kết luận từng vấn đề:
(1)  Thời gian thử việc mà phía Ban giám đốc công ty yêu cầu anh A là trái quy định của pháp luật.
(2)  Công ty đã áp dụng tiền lương anh A nhận được trong thời gian thử việc không đúng với quy định của pháp luật.

Từ đó, chúng ta có thể soạn thảo được một email tư vấn cho khách hàng như sau:
Dear Anh A,
Liên quan đến vấn đề pháp lý mà anh đang vướng mắc, chúng tôi có tư vấn như sau:
•         Thứ nhất: liên quan đến thời gian thử việc
Theo quy định của pháp luật hiện hành tại Điều 27 Bộ Luật Lao Động năm 2012, thời gian thử việc đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên là không quá 60 ngày. Trong trường hợp của anh, công ty áp dụng thời gian thử việc là 4 tháng (tương đương 120 ngày) là hoàn toàn trái với quy định của pháp luật.
•         Thứ hai: về mức lương trong thời gian thử việc
Điều 28 Bộ Luật Lao Động năm 2012 quy định tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thoả thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó. Theo đó, mức tiền lương tối thiểu mà anh được nhận trong thời gian thử việc phải bằng 9.000.000 x 85% = 7.650.000 VNĐ. Trong khi đó, mức lương thử việc mà anh nhận được chỉ là 6.000.000 đồng. Do đó, công ty đã áp dụng mức lương thử việc trái với quy định của pháp luật hiện hành.
Như vậy, theo quy định của pháp luật, công ty đã thực hiện không đúng đối với thời gian thử việc và mức lương mà anh được nhận trong thời gian thử việc. Chúng tôi khuyến nghị anh nên có trao đổi với Ban Giám Đốc công ty về những điểm nêu trên để đảm bảo quyền lợi cho bản thân anh.
Trên đây là tư vấn pháp lý của của chúng tôi, nếu anh cần hỗ trợ hoặc có câu hỏi gì thêm, vui lòng cho chúng tôi được biết.

Tham khảo và trích dẫn các nguồn:
https://www.csun.edu/sites/default/files/IRAC%20ANALYSIS_Saunders.pdf
https://en.wikipedia.org/wiki/IRAC
http://www.kaptest.com/blog/bar-exam-insider/2011/12/02/succeed-on-your-finals-with-our-essay-tips-irac-your-way-to-an-a/
http://www.excellenceinlawschool.com/raise-law-school-exam-grade-using-the-irac-method-right-way/
http://www.lawschoolsurvival.org/index.php/legal-writing/the-irac-method
https://thegioiluat.vn/bai-viet/mo-thuc-irac-va-ung-dung-trong-tu-van-phap%C2%A0ly-106/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Gọi ngay/Zalo Mrs Thu Hương 0903.3580.83 - facebook Thu Huong Land để xe...

BÁN VÀ CHO THUÊ CĂN HỘ MASTERI THẢO ĐIỀN QUẬN 2. Liên hệ facebook/zalo Thu Huong Land 0903358083 𝐆𝐈𝐎̉ 𝐇𝐀̀𝐍𝐆 𝐌𝐚𝐬𝐭𝐞𝐫𝐢 𝐓𝐡𝐚̉𝐨 ...